Hans người nhím

Hans người nhím - Anh em nhà Grimm


Hans người nhím

Truyện cổ Grimm
Ngày xưa có hai vợ chồng bác nông dân sống dư dật trong cảnh lúa đầy bồ, gà vịt đầy sân. Nhưng họ vẫn buồn, vì không có con.
Bác thường hay đi với những người cùng làng ra tỉnh mua bán, họ thường chế giễu cảnh đơn chiếc của hai vợ chồng bác và luôn gặng hỏi tại sao bác lại không có con. Có lần, bác nổi giận bực mình vì chuyện ấy. Vừa mới bước chân vào nhà, bác đã hầm hầm nói lớn:
- Mình phải có một đứa con mới được, cho dù nó là Nhím cũng tốt.
Thế rồi bác gái mang bầu, sanh ra được một đứa con, nửa trên hình nhím, nửa dưới hình người. Nhìn đứa con mới sanh, bác gái hoảng sợ trách chồng:
- Ông có thấy không, chỉ tại lời nói độc địa của ông đấy.
Chồng bảo vợ:
- Biết làm sao bây giờ. Nó vẫn là con mình và phải làm lễ rửa tội, đặt tên cho nó, nhưng chắc chẳng ai chịu làm cha đỡ đầu nó.
Vợ nói:
- Mà có lẽ cũng chỉ đặt cho nó tên "Hans người nhím" được thôi!
Làm lễ rửa tội cho đứa bé xong, cha cố nói:
- Nó không được đặt ở giường như những đứa bé khác, vì mình nó toàn lông nhọn.
Hai vợ chồng lấy rơm trải ổ ở sau lò sưởi và đặt Hanxơ người nhím vào đấy nằm. Đứa bé không cho bú được, vì lông nhọn ở nó cắm vào da thịt rất đau. Đứa bé cứ nằm như vậy ở sau lò sưởi tám năm liền. Người bố rất buồn phiền chán ngán.
Một hôm bác trai đi chợ phiên ở tỉnh, trước khi đi bác hỏi vợ có cần gì để bác mua về cho. Vợ nói:
- Nhà cần thịt và mấy ổ bánh mì trắng.
Rồi bác lại hỏi đứa giúp việc. Cô này xin một đôi giày vải và vài đôi bít tất. Cuối cùng bác hỏi:
- Hans nhím của bố, con muốn gì nào?
Hans thưa:
- Bố kính yêu, bố mua cho con chiếc kèn bị.
Đi chợ phiên về, bác trai đưa cho vợ thịt, bánh, đưa cho đứa hầu gái giày và bít tất. Rồi bác ra sau lò sưởi đưa cho Hanxơ chiếc kèn bị.
Cầm kèn trong tay, Hans lại nói xin với bố:
- Bố kính yêu, bố ra lò rèn đánh cho con một con gà trống sắt. Con muốn cưỡi gà đi ngao du đây đó và không bao giờ trở lại đây nữa.
Mừng trút được gánh nặng, người bố đi thuê ngay thợ rèn. Gà trống mang về tới nhà là Hans nhím cưỡi luôn lên mình gà, gà bay, heo lừa trong nhà cũng đi theo Hans vào rừng.
Vào rừng, Hans cưỡi gà bay lên cây cao, nó ngồi trên ấy để bao quát, canh đàn gia súc cho dễ. Nhiều năm trôi qua, giờ đây đàn gia súc sinh sôi nảy nở thành một đàn gia súc lớn, đông đúc. Bố Hans cũng không hề biết về chuyện này.
Ngồi trên cây canh đàn gia súc, Hans thường hay lấy kèn ra thổi, tiếng kèn vang lên làm cho khu rừng trở nên vui vẻ.
Có lần do lạc lối nên nhà vua lọt vào khu rừng rậm, vua rất lấy làm ngạc nhiên khi nghe tiếng kèn ở giữa rừng, vua truyền cho thị vệ đi dò la xem tiếng kèn vang từ đâu tới. Chạy quanh một lúc tên thị vệ chỉ thấy có con gà sắt mà ta thường thấy ở trên các mái nhà đang đậu ở trên cây cao, nhưng trên lưng gà lại là một con nhím đang thổi kèn. Thị vệ tâu vua, vua sai hắn tới hỏi tại sao nhím lại ngồi tít trên cây cao và nhím có biết đường về hoàng cung không. Hans tụt cây xuống đất, nhận chỉ đường cho nhà vua với điều kiện vua ký giao kèo và hứa cho nó bất kỳ cái gì mà nhà vua gặp trước tiên khi về tới hoàng cung. Vua nghĩ bụng:
- Cái đó dễ thôi. Hans người nhím có biết đọc đâu, ta viết gì mà chẳng được.
Vua lấy bút lông ngỗng chấm mực và viết giao kèo. Xong giao kèo, Hans nhím chỉ đường. Nhà vua về tới hoàng cung yên ổn. Từ xa công chúa đã nhìn thấy vua cha, mừng quá nàng chạy ra đón, nhảy lên quàng cổ ôm hôn vua cha.
Vua chợt nhớ tới Hans nhím, vua kể cho con nghe rằng chính mình đã viết giấy giao kèo với một vật kỳ lạ, cam kết cho nó cái gì mà vua gặp trước tiên khi về tới hoàng cung. Con vật ấy cưỡi gà như ta cưỡi ngựa, nó thổi kèn rất hay. Vì Hans nhím không biết đọc nên vua đã viết không cho nó cái gì cả. Công chúa mừng lắm. Nàng bảo thế là tốt, nếu không thì dù thế nào đi nữa nàng cũng không chịu đi.
Hans nhím vẫn ở trong rừng chăn heo. Heo mẹ đẻ heo con, giờ đây đàn heo đông đến mức chen chúc nhau kín cả một khoảng rừng. Lúc này Hans người nhím không muốn ở trong rừng nữa, nó nhắn bố cùng dân làng hãy dọn sẵn chuồng để nhốt heo, vì đàn heo nó rất đông, đông đến mức ai muốn ăn thịt bao nhiêu cũng được. Nghe nhắn Hans nhím về, ông bố bán tín bán nghi, vì từ lâu ông tưởng nó đã chết.
Cưỡi gà, Hans nhím xua đàn heo về nhà. Hans nhím cho gọi người giết heo. Ở xa mấy dặm đường vẫn còn nghe tiếng băm, tiếng chặt.
Sau đó, Hans nhím nói với bố:
- Bố ơi, bố thuê thợ rèn đánh lại cho con con gà đi. Con sắp đi xa và không bao giờ về nữa.
Bố mang gà từ lò rèn về, Hans nhím cưỡi gà đi đến nước vua thứ nhất. Vua nước này ra lệnh cho lính, hễ thấy ai đeo kèn, cưỡi gà đến thì cứ nhắm hắn mà bắn, đâm chém, đuổi không cho vào hoàng cung.
Hans nhím tới, lính quay giáo tính đâm, nhưng Hans nhím thúc cựa gà, gà bay qua cổng, bay luôn tới trước buồng vua và đậu ngay ở cửa sổ. Hans đòi vua giữ đúng y như cam kết, nếu không cả vua và công chúa đều mất mạng. Vua dỗ ngon dỗ ngọt, nói công chúa nên ra để bảo toàn tính mạng cho cả hai cha con. Vua ban cho công chúa một cỗ xe sáu ngựa, một gia nhân đi theo cùng với rất nhiều tiền của. Nàng mặc đồ trắng, bước lên xe ngồi. Hans nhím cầm kèn và dắt gà tới ngồi bên cạnh. Họ chào từ biệt vua và cho xe chạy. Vua nghĩ, chắc mình sẽ không bao giờ gặp lại con gái nữa.
Nhưng sự việc lại xảy ra khác. Khi ra khỏi hoàng cung một thôi đường, lúc ấy Hans nhím xù dựng đứng lông nhọn và cứ thế đâm vào người nàng cho tới khi máu chảy ra mới thôi. Nó còn mắng:
- Đấy là phần thưởng dành cho quân gian dối. Cút đi, ta không muốn nhìn quân gian dối.
Bị đuổi trở về nên công chúa suốt đời bị mọi người mỉa mai.
Giờ Hans nhím lại cưỡi gà đi tiếp. Nó đi tới nước của vua thứ hai. Vua nước này đã dặn lính, hễ thấy ai là Hans nhím thì phải tới bồng súng chào, mở cửa đi và tung hô vạn tuế, dẫn thẳng vào cung vua. Vua nước thứ hai cũng giống như Vua nước thứ nhất đã nhờ Hans nhím chỉ đường ở trong rừng và cùng một điều kiện như thế.
Nhìn thấy Hans nhím có hình dáng dị kỳ nên công chúa chột dạ, nhưng nàng tự nhủ, chẳng thể làm khác được, mình đã hứa với vua cha rồi.
Hans nhím được công chúa nồng nhiệt đón chào. Sau đó hai người làm lễ cưới. Lúc vào tiệc công chúa tới ngồi cạnh Hans cùng ăn uống.
Công chúa tỏ vẻ sợ lông nhím đâm vào người. Hans nhím nói công chúa cứ yên tâm. Tối đến, chàng tâu vua cho bốn người lính, họ phải đứng canh ở cửa buồng và đốt một đống lửa ngay cạnh đó. Khi nào thấy Hans nhím lột vỏ chui ra để tấm da nhím lại thì quân lính phải chạy ngay vào buồng lấy tấm da quăng vào lửa, phải đứng đợi cho đến khi tấm da cháy trụi thành tro mới thôi.
Chuông điểm mười một giờ đêm, Hans vào buồng, lột để tấm da nhím ở ngay trước giường ngủ. Ngay tức khắc lính canh chạy vào, nhặt tấm da quăng vào lửa. Khi tấm da cháy hết cũng là lúc Hans hiện lại nguyên hình người, nhưng da chàng còn đen như than, như bị thui. Theo lệnh vua, ngự y tới xem và xoa thuốc khắp người chàng. Thuốc xoa xong, người chàng trắng lại, giờ đây chàng thành một chàng trai rất đẹp. Thấy vậy, công chúa rất mừng. Sáng hôm sau, hai người vui vẻ tiếp tục ra dự tiệc cưới với mọi người. Hans được thừa kế ngôi báu do nhà vua đã già truyền lại cho.
Đã nhiều năm trôi qua, một hôm Hans cùng công chúa về thăm bố đẻ. Ông cụ không dám nhận con và nói, xưa có sinh được một đứa con nửa người nửa nhím, nó đã bỏ nhà đi lâu lắm rồi.
Chàng kể lại đầu đuôi sự tình, lúc bấy giờ ông bố mừng lắm, bằng lòng theo về vương quốc của chàng.
Khi chúng tôi đi qua nhà Gustchen thì câu chuyện cũng vừa kể xong.
Hans người nhím
*     *     *     *     *


Câu chuyện
So sánh thứ tiếng:

Phân loại (Aarne-Thompson):